Câu chuyện "Ông già mù ăn xin nơi góc chợ"

Cuộc sống hối hả với nỗi lo gạo tiền cơm áo khiến nhiều người trong chúng ta vô tình quên đi rằng, tình người mới là thứ có giá trị trường tồn mãi mãi

CÂU CHUYỆN: ÔNG GIÀ MÙ ĂN XIN NƠI GÓC CHỢ

Cuộc sống hối hả với nỗi lo gạo tiền cơm áo khiến nhiều người trong chúng ta vô tình quên đi rằng, tình người mới là thứ có giá trị trường tồn mãi mãi.

Hôm nay, Liên đội trường THCS Đồng Than xin gửi đến thầy cô và các bạn một câu chuyện ý nghĩa về ông già mù ăn xin nơi góc chợ và một cô bé có tấm lòng lương thiện, câu chuyện đã dạy cho chúng ta một bài học quý báu về tình người.

Mưa. Đã mấy hôm nay cứ mưa rồi mưa mãi. Chẳng ai ưa cái khí trời ẩm ướt, dai dẳng, thấm hơi lạnh và ám hơi nước này. Cả đất, cả trời bị màn mưa mỏng tanh như khói sương mù bó chặt lấy. U ám, tẻ nhạt và bạc phếch. Cái thời tiết ấy dễ làm con người ta quên đi nhiều thứ hoặc một vài thứ, hữu hình hoặc vô hình.

Một ngôi chợ nhỏ, ồn ào, xô bồ, cạnh tranh và bon chen.

Góc chợ, một ông già mù ngồi bó gối. Đôi mắt đục hướng ra xa xăm vô định. Trước mặt ông là cái nón lá đã rách tả tơi, ẩm ướt nước mưa. Ông có lẽ đã ngồi đó lâu lắm. Khuôn mặt khắc khổ không che lấp đi vẻ nhân từ.

Những nếp nhăn của tuổi già xô đẩy nhau như cho người ta thấy ông đã từng qua đủ những sóng gió thời ông trai trẻ. Lớp áo mỏng phía ngoài thấm nước mưa phùn đã chuyển từ nâu bạc sang màu đậm. Chợ đông người. Người ta vẫn lướt qua vội vã.

Có một cô gái trẻ vẻ sang trọng, thời trang, ngồi trên xe máy dừng ngay trước mặt ông cụ mua hàng ngay gần đó. Liếc ông một cái, lẩm bẩm: “Ngày nào đi chợ cũng thấy ngồi. Có tay có chân chứ có què quặt đâu mà phải sờ lần ăn xin như thế?”

Mua xong, cô lên xe rồ ga đi, vài vệt nước từ chiếc xe bắn ra đập vào nón của ông. Ông khẽ đưa đôi mắt đục mờ theo hướng xe cô gái, chỉ biết im lặng…
Chợ bắt đầu vãn người. Mấy người phụ nữ đi bán mớ rau, con cá hết hàng sớm ngang qua chỗ ông đều không ngại lấy trong túi ra dăm ba ngàn lẻ, bỏ vào chiếc nón ướt. Ông không quên gật đầu nói tiếng cám ơn khe khẽ cho những người tốt bụng. Người mù, họ có thính giác tuyệt vời như thế đấy!

Chợt, một cậu thanh niên ngang qua. Đã đi lướt qua rồi nhưng cậu lại quay trở lại, móc trong túi tờ hai ngàn lẻ đã cũ nhàu, vo viên ném bịch vào giữa nón. Ông cụ khẽ lắng tai nghe. Như mọi lần ông nói: “Cám ơn đã thương tình!”.

Có hai mẹ con đi chợ về ngang qua. Đứa bé đội cái mũ màu hồng nho nhỏ, nắm tay mẹ bước từng bước chậm vì sợ đường trơn, trên tay nó giữ khư khư cái bánh mì được bọc trong mấy lần giấy bóng.

Dừng lại trước mặt ông già mù, đứa bé kéo tay mẹ nó nói khẽ gì đó. Mẹ nó cười, đưa cho nó tờ năm ngàn trong ví. Nó đi tới cái nón của ông, lấy hai tay đặt cẩn thận tờ tiền vào trong nón, không quên nhặt mấy đồng tiền lẻ người ta vất vô ý gần bay ra phía ngoài vào.

“Cháu gửi ông ạ!”

“Ông xin…”, ông khẽ nói run run, đôi bàn tay đưa ra chạm vào vành nón đã rách nát.

Đứa trẻ quay lại, đi ra chỗ mẹ nó đứng. Nhưng bất chợt nó quay lại chỗ ông già mù. Nó khẽ đặt cái bánh mì vào tay ông rồi cười hồn nhiên:

“Cháu nhường ông nhé. Ông ăn luôn đi không nguội mất!”

Ông già cầm cái bánh mì của đứa trẻ, đôi mắt đục chợt ngân ngấn nước. Mẹ đứa bé đứng ngoài mỉm cười, vẫy tay gọi nó, hai mẹ con chào ông rồi trở về nhà.

Mưa nặng hạt thêm, ông già cầm chiếc bánh mì nóng trên tay mặc cho những hạt nước rơi vào chiếc nón ngay phía trước…

Các bạn thân mến!

Cuộc sống hối hả với nỗi lo gạo tiền cơm áo khiến nhiều người trong chúng ta vô tình quên đi rằng tình người mới là thứ có giá trị trường tồn mãi mãi. Và cô gái nhỏ trong câu chuyện trên đã dạy chúng ta một bài học thấm thía về cách đối xử với những người xung quanh, đặc biệt là đối với những người nghèo khổ bất hạnh như ông lão mù ăn xin trong câu chuyện.

Câu chuyện hôm nay đến đây là hết, em xin chúc các thầy cô giáo và các bạn học sinh có một tuần làm việc hiệu quả.

Xin cảm ơn các thầy cô giáo và các bạn đã chú ý lắng nghe.

Bài tin liên quan
Chính phủ điện tử
Tin đọc nhiều
Liên kết website
Thống kê truy cập
Hôm nay : 1
Hôm qua : 24
Tháng 01 : 225
Năm 2025 : 225