CÂU CHUYỆN: MẸ CỦA CON
MẸ CỦA CON
Câu chuyện của Linh bắt đầu khi bố Linh đi làm xa, 2 tháng mới về thăm nhà một lần, còn mẹ Linh phải một mình chăm sóc hai chị em và lo toan việc nhà.
“Ở lứa tuổi cấp 1 mẹ thường bắt tôi ngủ trưa và học bài, tôi không nghe thì bị mẹ mắng, lúc đó tôi rất ghét mẹ, đôi khi tâm trí tôi thấy mẹ thật là ác”, Linh kể.
Mọi chuyện chưa dừng lại ở đó, đến khi lên cấp 2, tôi ghét mẹ vì luôn mắng tôi mỗi khi bị giáo viên thông báo về lỗi vi phạm nội quy học sinh của tôi ở trường. Lúc đó, tôi chỉ muốn xách ba lô ra khỏi nhà. Tôi ghét mẹ lắm! Tôi từng muốn không có mẹ trên đời này…
Tôi có tính đua đòi mà gia đình thì không khá giả lắm. Năm tôi học lớp 9, tôi bắt mẹ phải cho tôi mua sắm hết thứ này đến thứ khác, lúc đó tôi suy nghĩ thật nông cạn. Mỗi lần ba tôi về, thấy tôi hư là lại gọi mẹ ra trách mắng và ba mẹ tôi đã cãi nhau thường xuyên vì tôi.
Lên cấp 3, lớp tôi bạn bè ai cũng được tổ chức sinh nhật, riêng tôi từ bé đến giờ chưa có lần nào. Tôi về xin tiền mẹ, mẹ bảo tốn kém và mẹ bảo tôi mời bạn bè về nhà mẹ sẽ chuẩn bị một ít bánh kẹo cho tôi mời bạn, nhưng tôi không nghe. Tối hôm đó, tôi bù la bù loa ăn vạ đủ kiểu, thấy vậy, mẹ vẫn kiên quyết không cho vì vậy tôi bắt đầu cáu giận, cãi với mẹ mà còn hơn cãi nhau với đứa bạn cùng lứa…
Đỉnh điểm mâu thuẫn giữa tôi và mẹ khi tôi học lớp 11, đây là năm tôi không thể quên những gì tôi đối xử với mẹ. Ngày noel tôi đã dặn mẹ đón sớm hơn mà mẹ lại quên. Báo hại là hôm đó, tôi phải đi bộ cả tiếng đồng hồ. Về tới nhà, tôi cãi lộn với mẹ, nói những câu nói mà chính tôi cũng không tưởng tượng được.
Tối Giáng sinh, tôi đi Nhà thờ chơi nhưng khi bước xuống cổng, mẹ vẫn cằn nhằn và la tôi trước mặt bạn bè. Tôi đã không suy nghĩ mà ném cả khóa cổng vào người mẹ, làm bàn tay mẹ bị bầm tím cả tháng trời. Mẹ không nói gì, đứng lặng đi. Lúc đó tôi rất giận mẹ, nhưng tôi cũng đã bắt đầu thấy chưa có đứa con nào lại hư như tôi.
Trong thâm tâm tôi, tôi biết rằng mẹ cũng rất quan tâm tôi nhưng vì mẹ hay la mắng và bắt tôi phải theo khuôn phép nên tôi thấy khó chịu. Thêm vào đó, thấy bạn bè của mình có được nhiều thứ và được bố mẹ chiều chuộng, dễ dãi nên lúc nào tôi cũng chỉ muốn mẹ mình bằng một góc nhỏ của mẹ đứa bạn…
Nhưng mọi việc đã bắt đầu đổi thay khi tôi học lớp 12. Tôi đã gặp khó khăn lớn với đám bạn cùng khối. Đó là những đứa bạn mà tôi từng nói với mẹ là chúng còn tốt với tôi hơn cả mẹ. Chúng tôi bắt đầu chia phe và lên Facebook lời qua tiếng lại, rồi chúng kéo nhau đến tận nhà để đòi đánh tôi.
Rồi chúng cô lập để bạn bè chung lớp dần xa lánh tôi. Mâu thuẫn kéo dài,nhiều ngày liên tiếp và điều đó khiến tôi mất ăn mất ngủ. Còn mẹ vẫn lặng lẽ lo lắng cho tôi, hỏi han động viên tôi khi tôi buồn. Khi vượt qua giới hạn chịu đựng của mình, tôi kể cho mẹ nghe những rắc rối và xin mẹ giúp đỡ.
Hôm đó, mẹ nói rất nhiều và quyết định cho tôi chuyển đến trường nội trú. Tối hôm đó, mẹ không ngủ được và trăn trở suốt đêm. Lúc ấy, tôi bắt đầu thấy ân hận vì đã đi theo bạn bè mà quay lưng với mẹ. Sáng hôm sau, mẹ dậy từ sớm đưa em tôi đi học, sau đó quay lại chở tôi lên trường và xin rút học bạ chuyển trường cho tôi. Trưa nắng, mẹ không ngủ trưa mà chở tôi lên trường mới để xin học. Chiều mẹ với tôi về, mẹ vừa chạy vừa đi đón em, vừa lo soạn đồ ăn để đưa tôi vào trường nội trú học.
Cả ngày mẹ không ăn uống đủ, lại lăn lộn ngoài đường vì tôi. Điều đó đã thực sự thay đổi suy nghĩ của tôi về mẹ.
Đi học nội trú xa nhà, tôi lại muốn quay về khoảnh khắc đẹp khi có mẹ bên cạnh. Tôi thầm hiểu và ngày càng quý trọng mẹ hơn. Mẹ không hề ghét bỏ tôi như tôi nghĩ, hồi bé mẹ bắt tôi ngủ trưa và học bài thì tốt cho tôi chứ mẹ có được gì. Đánh tôi đau, mẹ còn đau hơn cả trăm lần như thế. Tôi còn nhớ, ngày còn nhỏ, cứ mỗi lần mẹ đánh tôi là tối mẹ lại ngồi bóp mật gấu cho tôi.
Và ở trường mới, tôi phải vô cùng biết ơn cô giáo dạy văn của mình. Bởi cô đã từng dạy để giúp mỗi chúng tôi kịp nhận ra rằng: “Cha mẹ chúng ta là những người rất tốt, tuy đôi khi họ có thể chưa đúng, nhưng chắc chắn một việc đúng nhất mà họ đã làm được là cho chúng ta được đến trường. Để chúng ta hiểu được là chúng ta cần có sự hiểu biết và nhận thức để tồn tại”. Tôi dần thấy và cảm nhận rằng, dù mẹ có thể là người phụ nữ quê mùa nhưng mẹ đã hy sinh tất cả để chăm sóc chị em tôi…
Là con gái, sau này lớn lên tôi cũng làm mẹ. Tôi cũng không muốn con mình sau này như tôi. Tới lúc khó khăn nhất, tôi mới biết bên mình không phải là bạn bè mà là gia đình, là mẹ, nơi tôi sinh ra và nuôi dưỡng cho đến khi tôi lớn lên.
Giờ đây, khi đã đủ nhận thức để trưởng thành, tôi muốn nói với mẹ rằng: “Con xin lỗi mẹ! Vì con không bao giờ chịu ngồi xuống lắng nghe lời mẹ dạy, con đã luôn bỏ ngoài tai những gì mẹ dặn dò, răn bảo. Con hư đốn lắm phải không mẹ? Những việc mà con gây ra chắc chắn đã làm mẹ tổn thương nhiều lắm. nhưng dù sao con cũng thấy mình may mắn vì đã kịp thời nhận ra để biết tôn trọng mẹ từng phút, từng giây khi mẹ còn bên cạnh…”
Các bạn thân mến!
Những bà mẹ trên khắp thế giới, dù giàu sang hay nghèo khó, dù lành lặn hay tật nguyền, tình yêu của họ với những đứa con luôn có thật và tồn tại mãi mãi.
Mẹ là tiếng gọi đầu đời của trẻ thơ, là dòng sữa ngọt nuôi nấng ta lúc chào đời, dạy ta bắt đầu học nói. Mẹ hát ru ta ngủ, chăm sóc lúc ta thức, tập cho ta những bước đi đầu tiên. Tình mẹ luôn luôn nồng ấm hòa nhập với mạch sống của con, lòng mẹ hân hoan sung sướng khi thấy con khôn lớn, hạnh phúc, thành đạt trong xã hội, và sẵn sàng chia sẻ những muộn phiền lo âu khi con gặp những thất bại trên đường đời. Không có bút mực nào tả hết được tình cảm thiêng liêng về tấm lòng cao cả của người mẹ.
Khi tháng 3 về, chắc hẳn trong mỗi chúng ta không khỏi bồi hồi xúc động bởi trong những ngày này dù bạn là ai, là nam hay nữ thì cũng không thể nào không hướng về ngày 8/3, ngày mà tất cả phụ nữ trên thế giới được cả nhân loại tôn vinh.
Tôi mong rằng mỗi câu chuyện giản dị sẽ là nguồn động lực, tiếp thêm sức mạnh, niềm tin và lòng dũng cảm cho các bạn, giúp bạn vượt qua mọi thử thách, trở ngại và luôn trân trọng từng giây từng phút để làm những điều ý nghĩa mang giá trị cho đời và luôn dành tặng mẹ, tặng cô những bông hoa điểm 10 tươi thắm nhất.